TextHead
TextBody

TRUNG TÂM NHIỆT ĐỚI VIỆT - NGA
Vươn tới sự hoàn thiện

Ngôn ngữ:
Tiếng Việt
[TiengNga]
English

Giới thiệu năng lực thí nghiệm của Chi nhánh Ven biển

Chi nhánh Ven biển là đơn vị trực thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga và chịu sự điều hành chỉ huy trực tiếp từ Ban Tổng Giám đốc.

Chi nhánh Ven biển thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là nghiên cứu khoa học trên hai hướng Độ bền nhiệt đới và Sinh thái Nhiệt đới; đồng thời tiến hành chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực phục vụ quốc phòng và dân sinh.

Trên hướng Độ bền Nhiệt đới (ĐBNĐ), Chi nhánh đã và đang tiến hành các nghiên cứu, thử nghiệm đánh giá tác động của các yếu tố môi trường nhiệt đới tới độ bền của các loại vật liệu trong môi trường khí quyển ven biển và trong môi trường nước biển.

Trong 30 năm qua, hoạt động thử nghiệm tự nhiên đối với các loại vật liệu đã được tiến hành thường xuyên, liên tục và không ngừng được quan tâm cải tiến.

Yêu cầu quản lý đối với hoạt động thử nghiệm ngày càng được quan tâm thực hiện nhằm tăng cường độ tin cậy kết quả thử nghiệm. Cụ thể, Chi nhánh đã được công nhận đáp ứng yêu cầu Tiêu chuẩn cơ sở TCQS 877:2010 và thường xuyên được Bộ QP đồng ý gia hạn năng lực thử nghiệm tự nhiên, kiểm định theo TCVN/QS 877:2014 đối với 15 lĩnh vực.

Tháng 11 năm 2019, Chi nhánh đã được Văn phòng công nhận chất lượng cấp chứng chỉ VILAS 1258 công nhận phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 với 19 phép thử.

Tháng 02 năm 2023, Phòng thí nghiệm Chi nhánh Ven biển đã được Văn phòng công nhận chất lượng công nhận phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 với 44 phép thử (22 phép thử lĩnh vực Cơ, 22 phép thử thuộc lĩnh vực Hóa).

Chi nhánh đã và sẽ tiếp tục xác định 3 yếu tố cơ bản phải thường xuyên quan tâm và củng cố để cải tiến năng lực thử nghiệm, bao gồm nhân sự, cơ sở vật chất bảo đảm thử nghiệm và trang thiết bị hỗ trợ quan trắc đánh giá.

Về nhân sự, hiện chúng tôi có 14 cán bộ nhân viên từ 02 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thử nghiệm, được đào tạo nhận thức về ISO/IEC 17025:2017. Chi nhánh đã và sẽ tiếp tục quan tâm việc đào tạo thường xuyên nhằm bảo đảm giá trị sử dụng của các kết quả thử nghiệm.

Hình 1. Phân tích mẫu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Chi nhánh Ven biển đang có ưu thế và tiếp tục được củng cố đầu tư về cơ sở sở vật chất và điều kiện môi trường thử nghiệm. Cụ thể,

Hình 2. Mẫu thử nghiệm trên sân cỏ và sân nền bê tông.

Đối với thử nghiệm tự nhiên trong điều kiện môi trường khí quyển, chúng tôi có các sân phơi mẫu cách đến mép biển không quá 250 m, với năng lực triển khai đồng thời khoảng 11.000 mẫu sơn phủ (theo tiêu chuẩn ISO 2810:2004), bao gồm: 1200 m2 sân phơi tự nhiên nền cỏ; 1200 m2 sân phơi tự nhiên nền bê tông; 200 m2 nhà thử ngiệm có mái che; 100 m2 nhà thử nghiệm kiểu lá sách (nan chớp).

Hình 3. Mẫu thử nghiệm trên sân cỏ và sân nền bê tông.

Đối với thử nghiệm tự nhiên trong môi trường nước biển: phao thử nghiệm biển với khung thân bằng composit, khung treo giá thử nghiệm bằng thép không rỉ, chịu tải trọng tối đa 20 tấn, có thể triển khai đồng thời 1.200 mẫu sơn chống hà (theo tiêu chuẩn ASTM D3623-78a (2020)); giá thử nghiệm quay (kiểu roto) sử dụng năng lượng lai ghép giữa động cơ diezen và tua bin gió trục đứng, có thể triển khai 100 mẫu với mô phỏng tốc độ chuyển động trong nước biển đến 15 hải lý/h (ASTM D4939-89 (2020)). Ngoài ra, trên phao thử nghiệm, chúng tôi còn bố trí các khoang hầm kỹ thuật lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời có khẳng năng cung cấp từ điện thế trong các dải 12-24-48 VDC và 220 VAC với công suất liên tục 1,5 KWh để phục vụ cho các thiết bị quan trắc-theo dõi thử nghiệm.

Thông số thủy lý-thủy hóa của môi trường nước biển tại Trạm thử nghiệm được thống kê hàng tháng, được xem là đặc trưng và đại diện cho môi trường biển nhiệt đới.

Địa thế của Trạm nghiên cứu thử nghiệm biển đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các chỉ tiêu thử nghiệm trong môi trường nước biển. Đặc biệt là thử nghiệm các loại sơn phủ chống hà bám.

Hình 4. Phao thử nghiệm biển.

Về trang thiết bị phục vụ nghiên cứu đánh giá thử nghiệm, bao gồm: Trạm quan trắc môi trường khí quyển có thể cung cấp 12 thông số đo, hoàn toàn tự động, liên tục, trích xuất số liệu online; hơn 20 loại thiết bị đo cầm tay và phân tích trong phòng thí nghiệm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Chi nhánh đã ban hành thủ tục quản lý các trang thiết bị, trong đó nhấn mạnh về công tác kiểm định, hiệu chuẩn và kiểm tra giữa kỳ.

Chi nhánh cũng đã cập nhật, lựa chọn 20 tiêu chuẩn quốc tế mới nhất để  cập nhật vào các hướng dẫn (quy trình) thử nghiệm thay cho hầu hết các tiêu chuẩn GOST của nhà nước Liên Xô (cũ).

Đối với các yêu cầu thử nghiệm trong môi trường khí quyển, Chi nhánh đã và đang thực hiện trên 30 yêu cầu thử nghiệm tự nhiên đối với các vật liệu kim loại, hợp kim, phi kim loại và các lớp sơn phủ. Trong đó có các chi tiết kim loại dùng cho ngành chế tạo máy; các lớp sơn phủ của ngành công nghiệp hàng không.

Hình 5. Đánh giá độ mài mòn của lớp sơn phủ (TCVN 8785-7:2011)
Hình 6. Đánh giá độ thay đổi màu sắc của lớp sơn phủ (ASTM D2244-2021)
Hình 7. Sơn lót chứa kẽm bị hư hại sau 03 năm thử nghiệm (ISO 4628-6:2016)

Đối với thử nghiệm trong nhà lá sách, Chi nhánh đang thực hiện 12 yêu cầu theo 11 chỉ tiêu thử nghiệm đối với khoảng 650 các loại mẫu kim loại, hợp kim, các lớp phủ và hiệu quả chống ăn mòn của các chất ức chế.

Hình 8. Quan trắc tổng thể màng sơn thử nghiệm trong nhà mái che (ISO 4628-1:2016)
Hình 9. Thử nghiệm mẫu thép được bảo vệ bằng chất ức chế ăn mòn (b) và mẫu đối chứng trong điều kiện tự nhiên (ISO 9226:2012)
Hình 10. Tẩy sản phẩm ăn mòn trên mẫu kim loại thử nghiệm trong nhà mái che
(ISO 8407:2021)
Hình 11. Kiểm tra đặc điểm hư hại bề mặt mẫu sau thử nghiệm (ISO 4628-1: 2016)

Đối với thử nghiệm trong môi trường nước biển, Chi nhánh đã thực hiện khoảng 150 yêu cầu (chương trình) thử nghiệm trên các đối tượng chủ yếu là sơn chống hà, sơn phủ chống ăn mòn và độ bền ăn mòn của kim loại và hợp kim.

Hình 12. Đánh giá đặc điểm bám bẩn và ăn mòn mẫu thử nghiệm trong môi trường nước biển (ASTM D3623-78a (2020)
Hình 13. Đặc điểm ăn mòn trên mẫu hợp kim CT3 thử nghiệm tự nhiên trong môi trường biển: a-trước khi thử; b- sau thử nghiệm 6 tháng
Hình 14. Đánh giá ăn mòn mẫu thử trong môi trường nước biển (ISO 11036:1998)

Bám bẩn sinh học là sự tích lũy không mong muốn của các tổ chức vi sinh trên bề mặt vật liệu, và hậu quả là gây nên những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho công tác bảo trì các công trình, thiết bị hàng hải trong môi trường nước biển. Khác với bám bẩn vô cơ, bám bẩn sinh học được đặc trưng bởi các tổ chức vi sinh sống ký sinh và phụ thuộc vào mức độ của quá trình phát triển của bản thân chúng.

Hình 15. Mẫu trước khi thử nghiệm (a); sau 1 tháng (b); sau 3 tháng (c); sau 6 tháng (d); sau thời gian 13 tháng (e).

Ngoài ra, Chi nhánh cũng đã tiến hành 06 yêu cầu thử nghiệm đánh giá hiệu quả chống hà của các loại sơn trên nền cao su, với mục đích lựa chọn tìm ra loại sơn trên nền cao su tàu ngầm, vừa bảo đảm hiệu quả chống hà vừa bảo đảm độ bền cơ lý.

Hình 16. Thử nghiệm sơn chống hà trên nền cao su

Năng lực thử nghiệm của Chi nhánh Ven biển đa dạng trên các lĩnh vực đánh giá độ bền vật liệu trong môi trường nhiệt đới ven biển, đặc biệt là trong môi trường nước biển. Chi nhánh đã được Văn phòng công nhận chất lượng BoA cấp chứng nhận VILAS 1258 là kết quả của sự tích lũy của trên 30 năm thực hành, từ cơ sở vật chất được đầu tư. Hơn thế nữa là sự khao khát được hoà nhập vào hệ thống quản lý hoạt động thử nghiệm trong toàn Trung tâm và sự công nhận rộng rãi về kết quả thử nghiệm và công tác nghiên cứu trên hướng Độ bền Nhiệt đới.

TextFooter
Thông báo
Đóng