Chi nhánh Phía Nam của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga nằm tại địa chỉ số 1 – 3, đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Phòng thí nghiệm (PTN) Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga / Chi nhánh Phía Nam đã nghiên cứu và thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ quan trọng, thiết thực để phát triển khoa học công nghệ, phục vụ an ninh – quốc phòng và nhân dân. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ trên các hướng chính sau đây:
– Thử nghiệm, đánh giá độ bền nhiệt đới (độ bền của vật liệu, chi tiết, máy móc trang bị hoạt động trong khí hậu nhiệt đới), các phương tiện bảo vệ, vũ khí, trang bị kỹ thuật khi bảo quản và khai thác sử dụng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam;
– Nghiên cứu, chế tạo vật liệu bảo vệ như các loại sơn, lớp phủ polymer siêu kỵ nước, màng nano, chất ức chế ăn mòn bay hơi; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hóa nhiệt luyện, thấm nitro plasma, thấm carbon nhằm cải tiến, nâng cao cơ tính, lý tính của vật liệu phục vụ An ninh – Quốc phòng và dân sinh;
– Nghiên cứu, xây dựng giải pháp đồng bộ nâng cao độ bền nhiệt đới (nhiệt đới hóa) trang thiết bị kỹ thuật nhập khẩu hoặc do Việt Nam sản xuất nhằm mục đích nâng cao độ bền, độ tin cậy và tuổi thọ của chúng khi khai thác vận hành hoặc bảo quản trong điều kiện môi trường nhiệt đới;
– Nghiên cứu, xây dựng quy trình xử lý nước thải nhiễm xăng dầu ứng dụng vi sinh vật bản địa;
– Phân tích, xác định thành phần và hàm lượng các thành phần của mẫu đất, bùn đất, trầm tích, mẫu các loại nước như nước mặt, nước dưới đất, nước thải;
– Khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường và tư vấn, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Các hướng nghiên cứu thử nghiệm của PTN rất đa dạng như thử nghiệm phá hủy, thử nghiệm không phá hủy, thử nghiệm điện hóa, thử nghiệm cơ tính, lý tính, … và đặc biệt hơn, thế mạnh của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, đó là thử nghiệm mô phỏng điều kiện bảo quản, khai thác vận hành bao gồm mô phỏng điều kiện tự nhiên và mô phỏng gia tốc các yếu tố khí hậu. PTN Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga / Chi nhánh Phía Nam đã tiến hành các chương trình thử nghiệm với số lượng lên tới hàng ngàn mẫu thử, cụm chi tiết khác nhau từ các vật liệu như kim loại, hợp kim, polymer, sợi carbon, plastic, thủy tinh hữu cơ, composite, cao su kỹ thuật, các hệ sơn, lớp phủ bảo vệ và trang trí, các chất ức chế ăn mòn bay hơi, giấy và màng tẩm chất ức chế ăn mòn bay hơi; các chi tiết và cụm chi tiết khác như linh kiện, bo mạch điện tử, vật liệu giáp chống đạn, mũ cối bộ binh,… Kết quả thử nghiệm được đánh giá, làm cơ sở để kết luận về độ bền của vật liệu, phương tiện bảo vệ vật liệu. Từ đó, các nhà sản xuất cải tiến, hoàn thiện quy trình công nghệ, để sản xuất hàng loạt và đưa sản phẩm ra thị trường.
Năm 2019, PTN Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga / Chi nhánh Phía Nam đã được Văn phòng Công nhận Chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (BoA Việt Nam) cấp chứng chỉ VILAS 1236, công nhận Phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 đối với 23 phép thử trên các nhóm đối tượng: kim loại, hợp kim, màng sơn, lớp phủ kim loại và các thành phần trong đất, nước. BoA Việt Nam là thành viên của Hiệp hội công nhận phòng thí nghiệm quốc tế và Hiệp hội công nhận phòng thí nghiệm Châu Á Thái Bình Dương (ILAC/APLAC MRA), vì vậy các chứng chỉ của BoA công nhận năng lực thử nghiệm của PTN Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga / Chi nhánh Phía Nam được các tổ chức công nhận thành viên trên toàn thế giới thừa nhận.
2. Cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất phục vụ thử nghiệm của PTN Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga / Chi nhánh Phía Nam gồm có 02 phòng nghiên cứu, 01 sân phơi thử nghiệm độ bền nhiệt đới, 01 sân phơi thử nghiệm độ bền trước vi sinh vật nhiệt đới.
Các phòng nghiên cứu tọa lạc tại số 3 đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Các sân phơi thử nghiệm được bố trí tại Trạm Thử nghiệm Cần Giờ – huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh.
Đối với một số phép thử yêu cầu khắt khe về môi trường đánh giá, bao gồm các thông số nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,… Vì vậy, các phòng thử nghiệm đều đã trang bị máy lạnh, máy hút ẩm, máy tạo ẩm, hệ thống đèn thí nghiệm để đảm bảo bất cứ môi trường thử nghiệm thông thường nào trong môi trường nhiệt đới theo tiêu chuẩn. Việc theo dõi môi trường thử nghiệm được thực hiện thường xuyên, liên tục bởi các nhân viên thử nghiệm.
PTN áp dụng các tiêu chuẩn ISO, ASTM, GOST, TCVN và yêu cầu kỹ thuật bảo quản, chúng tôi đã sắp xếp, bố trí các tủ lưu trữ để thuận tiện, đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thử nghiệm.
Phòng thí nghiệm được trang bị hệ thống các thiết bị hiện đại, liên tục được đầu tư để đồng bộ, đáp ứng nhu cầu thử nghiệm phong phú, đa dạng của khách hàng trong lĩnh vực độ bền vật liệu và các phương tiện bảo vệ vật liệu. Một số thiết bị thử nghiệm tiêu biểu như:
2.1. Tủ thử độ bền thời tiết Sheen SolarBox 1500E
Tủ thử độ bền thời tiết của hãng Sheen (UK) được thiết kế dùng để kiểm tra độ lão hóa, độ bền màu của vật liệu bằng cách giả lập các điều kiện khí hậu thời tiết như các tác động của ánh sáng, mưa bão, độ ẩm cao, tia cực tím chiếu xạ. Ngoài sử dụng đèn xenon để làm năng lượng bức xạ, tủ Solarbox còn sử dụng đèn UV và 04 hệ thống kính lọc (filter) lão hóa thông qua bộ điều khiển cảm biến hẹp vòng bức xạ kín.
Solarbox 1500E được cài đặt sẵn các chương trình thử đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như ASTM, ISO, SAE, CEN, DIN, BS, UNI và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Ngoài ra chương trình thử nghiệm có thể tùy biến theo yêu cầu riêng của khách hàng.
2.2. Thiết bị đo điện hóa đa năng Metrohm Autolab
Metrohm Autolab cung cấp nhiều modules cho phép mở rộng phạm vi nghiên cứu điện hóa của phòng thí nghiệm, các thiết bị đa kênh bao gồm một máy chính có tối đa mười hai kênh. Vì mỗi kênh là một module đo điện hóa riêng biệt nên có thể cho phép thực hiện tối đa mười hai phép đo trên nhiều cell điện hóa riêng lẻ. Có thể nói Metrohm Autolab là thiết bị toàn diện để nghiên cứu, thử nghiệm điện hóa.
+ Điện cực làm việc: Pt, Au, GC, màng Hg, màng Bi.
2.3 Thiết bị UV/VIS Perkin Elmer Lambda 365
Thiết bị quang phổ hấp thụ phân tử (UV/VIS) có khe phổ thay đổi liên tục của hãng Perkin Elmer (Mỹ) sản xuất. Thiết bị có hiệu năng cao, hệ quang học hai chùm tia, đáp ứng các yêu cầu trong phân tích hóa học, dược phẩm, gen và kiểm tra QA/QC trong các ngành công nghiệp sản xuất. Hệ thống Instrument
Performance Verification (IPV) kiểm tra xác nhận hiệu suất chất lượng cao, và cho các quy định công nghiệp. Phiên bản Enhanced Security (ES) của UV WinLab tích hợp tiêu chuẩn kỹ thuật 21CFR part 11 giúp Lambda 365 sẵn sàng hỗ trợ mọi thứ, từ các phương pháp, ứng dụng tiêu chuẩn đến những yêu cầu đặc biệt tuân thủ quy định.
Bên cạnh đó, hệ thống có khe đo thay đổi từ 0,5 đến 20 nm cùng nhiều phụ kiện khác như đế mang mẫu rắn cho phép đo phản xạ, đo độ truyền qua. Quả cầu tích hợp với một hệ các đế mang cuvet đo khác nhau đáp ứng rộng rãi yêu cầu của khách hàng.
2.4. Thiết bị đo độ bền kéo, nén vật liệu Zwick / Roell Z010 TH Proline
Thiết bị Zwick / Roell Z010 là một thiết bị thí nghiệm đa năng, được sử dụng đo độ bền nén, độ bền kéo, đo độ giãn dài, đo độ bền uốn, thí nghiệm nổ bóng,… Thiết bị có tải trọng danh nghĩa 10 kN, tốc độ thí nghiệm từ 0.0005 tới 1500 mm/phút khi đạt tới tải trọng danh nghĩa. Trong trường hợp tải lên đến 110%, cho phép tải trọng danh nghĩa nhằm cân bằng cho bộ kẹp & phụ kiện. Thiết bị kết nối trực tiếp với máy tính, mọi thao tác có thể thực hiện trên phần mềm chuyên dụng của hãng. Thiết bị cung cấp các phép đo phù hợp với các tiêu chuẩn DIN EN ISO 7500-1, EN-ISO 178, ASTM E4, ISO 527-2, ASTM D 638, ASTM D 638, ISO 3787-3788, ISO 3303 method A, ISO 9073-5.
2.5. Các thiết bị phân tích cấu trúc kim tương của vật liệu
Trên thực tế, đối với bất kỳ vật liệu nào, trong cấu trúc của chúng cũng bao gồm nhiều thành phần khác nhau, rất hiếm có một chất nào có độ tinh khiết 100%. Ví dụ điển hình là các vật liệu được sử dụng trong sản xuất như: kim loại, nhựa, gốm sứ… các vật liệu này thường có độ tinh khiết không cao đơn giản vì các vật liệu dùng trong sản xuất thường được phối trộn để có thể tối ưu một số phẩm chất của nó sao cho phù hợp nhất với yêu cầu kỹ thuật của ứng dụng mà vật liệu mang lại. Từ đó ra đời một phương pháp giúp kiểm tra thành phần, cấu trúc sự phân bố các hạt trong mạng tinh thể, chiều dày lớp phủ, các khiếm khuyết trong cấu trúc, để xem các hợp chất này có phù hợp và đúng yêu cầu sản xuất hay không. Phương pháp này gọi là phân tích kim tương. Phân tích kim tương là phân tích các hợp chất hóa học dưới kính hiển vi dưới độ phóng đại cao để quan sát cấu trúc tế vi của nó từ đó tìm ra những lỗi hoặc những sai sót trong cấu trúc để có thể tiến hành điều chỉnh, sửa chữa cho đúng. Để quá trình phân tích mẫu kim tương đạt hiệu quả và độ chính xác cao đòi hỏi phải trải qua nhiều bước. Dưới đây là tổng quan các bước cho một quy trình chuẩn bị, phân tích mẫu kim tương:
+ Cắt mẫu;
+ Đúc mẫu;
+ Mài mẫu;
+ Đánh bóng mẫu;
+ Phân tích mẫu dưới kính hiển vi.
Các thiết bị của PTN Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga / Chi nhánh Phía Nam phục vụ phân tích mẫu kim tương như sau:
Tủ thử nghiệm nhiệt độ – độ ẩm (tủ thử nghiệm môi trường hay buồng vi khí hậu) có thể mô phỏng nhiều điều kiện môi trường khác nhau như nhiệt độ cao – độ ẩm cao, nhiệt độ cao – độ ẩm thấp, nhiệt độ thấp – độ ẩm thấp để kiểm nghiệm độ bền, khả năng chịu đựng sự thay đổi khí hậu, chống đóng băng, chịu nhiệt, kiểm tra tính năng chống lão hoá,… của sản phẩm được thử nghiệm. Có thể thử nghiệm nhiều chương trình thử cùng lúc bằng cách cài đặt chu kỳ thử mẫu tự động trên bộ điều khiển.
Tủ thử nghiệm nhiệt độ – độ ẩm của hãng Weisstechnik có hiệu suất đáng tin cậy, cùng với nhiều tính năng, ứng dụng thử trong các ngành công nghiệp sau:
+ Sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, linh kiện cảm biến.
+ Sản phẩm ngành cơ khí, quân sự, hàng không.
+ Công nghiệp sản xuất xe máy, xe hơi.
+ Nguyên vật liệu xây dựng, nhựa, dệt may.
+ Kiểm tra kim loại trong ngành mạ điện kim loại.
+ Thiết bị đo lường,…
2.7. Tủ thử nghiệm ăn mòn Atlas CCX3000
Là tủ thử nghiệm ăn mòn đa năng và hiện đại bậc nhất hiện nay, có chức năng phun mù muối kết hợp với khí gia tốc quá trình ăn mòn. Tủ CCX dùng để thử nghiệm đánh giá các vật liệu kim loại, lớp phủ thuộc nhiều lĩnh vực như: hàng không vũ trụ, công nghiệp ô tô, điện tử, quân sự, robot và viễn thông. Atlas CCX 3000 còn được trang bị máy tính với màn hình cảm ứng được cài đặt sẵn 7 chương trình thử nghiệm, hiển thị tối đa 50 hồ sơ thử (test profile).
Ngoài các tiêu chuẩn thử nghiệm gia tốc ăn mòn quốc tế ASTM B117, ASTM D5894, ISO 7253 và ISO 9227, tủ CCX có thể đáp ứng các tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn cơ sở của các hãng công nghiệp hàng đầu thế giới như SAE J2334, Ford BI-123-01, Ford APGE, GM9540P, GMW14872.
2.8. Các thiết bị thử nghiệm khác
Ngoài các thiết bị kể trên, PTN Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga / Chi nhánh Phía Nam còn vận hành, khai thác nhiều thiết bị thử nghiệm khác như: buồng thử nghiệm lão hóa UV Atlas Fluorescent/UV Test; máy đo quang phổ Hach DR3000; máy so màu X-Rite Ci62; máy đo độ bóng 3 góc Rhopoint Novo-Gloss Trio, máy đo độ bóng 3 góc Zehntner Glossmeter ZGM1110; máy đo độ dày màng phủ Defelsko PosiTector 6000 FNS3, Defelsko PosiTector PRB200C; thiết bị đo độ cứng màng sơn Sheen 707P; thiết bị đo độ bền va đập màng sơn Sheen 807; thiết bị xác định độ bền uốn màng sơn Sheen 809; thiết bị xác định độ bám dính màng sơn Sheen 750/SP, TQC 1839, TQC 1842, TQC 1844; Thiết bị đo độ phấn hóa màng sơn Zehntner ZHC 1200; thiết bị đo độ nhớt dung dịch Brookfield KU-2, thiết bị đo góc dính ướt của vật liệu Data Physics ESr-N,…
2.9. Trạm thử nghiệm Cần Giờ
Trạm Thử nghiệm Cần Giờ có ưu thế nổi bật về điều kiện tự nhiên: số giờ nắng lên đến 2700 giờ/năm, độ ẩm tương đối trung bình năm là 79,5 %, nhiệt độ trung bình năm 27,96 °C, tổng lượng mưa khoảng 1944 mm/năm. Trạm thử nghiệm Cần Giờ là sân phơi thử nghiệm tự nhiên lớn nhất khu vực Nam bộ với diện tích khoảng 12ha, nằm trên đường vĩ tuyến 11° Bắc, thuộc vành đai cận xích đạo. Cấu trúc trạm gồm có sân phơi thử nghiệm ngoài trời trên nền cỏ, sân thử nghiệm ngoài trời trên nền bê tông, sân thử nghiệm dưới mái che, sân thử nghiệm vi sinh, nhà thử nghiệm nan chớp, hệ thống giá phơi mẫu, phòng thí nghiệm để xử lý và đánh giá sơ bộ kết quả thử nghiệm, khu điều hành, khu nhà làm việc và nghỉ ngơi cho cán bộ.
Thử nghiệm tự nhiên là phương pháp mô phỏng môi trường vận hành, bảo quản một cách toàn diện, phản ảnh chính xác kết quả và cho phép đưa ra dự báo về tuổi thọ của vật liệu. Sự tác động của khí hậu lên vật liệu phụ thuộc vào các yếu tố nhiệt – ẩm, thành phần hóa học của không khí, cường độ bức xạ mặt trời, lượng mưa và sự phát triển vi sinh vật trong môi trường. Các dữ liệu này được thu thập tự động một cách liên tục.
Ngoài hệ thống sân phơi đạt tiêu chuẩn, Trạm thử nghiệm của chúng tôi đã được trang bị Trạm thời tiết đa năng Campbell CR3000 và đẩy đủ các cảm biến đo và xử lý các thông số khí hậu quan trọng ngay tại vị trí thử nghiệm như:
Nhiệt độ không khí;
Độ ẩm tương đối của không khí;
Tổng lượng bức xạ mặt trời;
Tốc độ gió, hướng gió;
Lượng mưa;
Áp suất khí quyển;
Thời gian lưu ẩm bề mặt;
Nhiệt độ đất;
Nhiệt độ tấm đen, tấm trắng;
Tổng bức xạ cực tím UV, UVA, UVB.
Việc có đủ dữ liệu về các yếu tố khác nhau tại nơi tiến hành thử nghiệm tự nhiên cho phép xác định những tác động có hại chính hay tác động tổ hợp của chúng đối với các loại vật liệu kết cấu khác nhau.
3. Nhân lực
Nhân lực của PTN Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga / Chi nhánh Phía Nam hiện có 17 cán bộ, trong đó 08 tiến sĩ, 05 thạc sĩ, 02 kỹ sư và 02 cử nhân. Hơn 90% cán bộ là sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, được đào tạo chính quy từ các trường đại học có uy tín, chất lượng cao tại Việt Nam, Liên bang Nga và Cộng hòa Séc. Các thành viên của phòng thí nghiệm đều là những người dày dạn kinh nghiệm, đã từng chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ, hợp đồng dịch vụ trong lĩnh vực thử nghiệm, chế tạo vật liệu, đánh giá và xử lý môi trường.
4. Cơ cấu tổ chức PTN Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga / Chi nhánh Phía Nam (VILAS 1236)
5. Đối tác, khách hàng
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thử nghiệm, PTN Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga / Chi nhánh Phía Nam đã được các đối tác trong và ngoài nước tin tưởng, lựa chọn sử dụng dịch vụ thử nghiệm, phân tích mà chúng tôi cung cấp. Các đối tác tiêu biểu như: Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông – Vận tải, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, Trung tâm Công nghệ môi trường tại TP. HCM, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty TNHH Việt Tín,… các đối tác nước ngoài: Viện hàn lâm khoa học LB Nga, Viện khoa học và công nghệ vật liệu hàng không LB Nga, Viện nghiên cứu và chế tạo Máy chuyên dụng LB Nga, Сông ty Istok (LB Nga), CTCP Tập đoàn Irkut (LB Nga), Сông ty Nippon Steel (Nhật Bản), …