TextHead
TextBody

TRUNG TÂM NHIỆT ĐỚI VIỆT - NGA
Vươn tới sự hoàn thiện

Ngôn ngữ:
Tiếng Việt
[TiengNga]
English

Giới thiệu phòng thí nghiệm Viện độ bền nhiệt đới

1. Giới thiệu chung:

Viện Độ bền Nhiệt đới là một cơ sở nghiên cứu KH&CN trực thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga/Bộ Quốc phòng. Từ ngày thành lập đến nay, Viện Độ bền Nhiệt đới đã tiến hành công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ trên các hướng chính:

– Nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá độ bền nhiệt đới, tuổi thọ của các loại vật liệu, vũ khí trang bị kỹ thuật khi bảo quản, khai thác, sử dụng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam;

– Nghiên cứu nhiệt đới hóa trang bị kỹ thuật do Việt Nam sản xuất và nhập khẩu nhằm mục đích nâng cao độ bền nhiệt đới và tuổi thọ của chúng khi khai thác trong điều kiện khí hậu nhiệt đới;

– Nghiên cứu chế tạo và sản xuất vật liệu bảo quản, vật liệu bảo vệ và các vật liệu đặc thù ứng dụng trong quân sự quốc phòng và dân sinh.

Có thể nói Viện Độ bền Nhiệt đới là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được tổ chức với một mô hình tương đối hoàn chỉnh về nghiên cứu, thử nghiệm, chế thử và sản xuất vật liệu trong lĩnh vực độ bền nhiệt đới và nhiệt đới hóa các trang thiết bị.

Trên hướng nghiên cứu thử nghiệm, Viện độ bền nhiệt đới ngay từ những ngày đầu thành lập đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm tự nhiên và gia tốc, đánh giá độ bền nhiệt đới của hàng chục ngàn mẫu vật liệu khác nhau (Kim loại và các hợp kim của nhôm, magie, đồng, sắt, titan, vật liệu composite, vật liệu cacbon, các lớp phủ oxit, các lớp mạ, bảo vệ bề mặt, các thiết bị linh kiện điện tử, đèn chân không, vật liệu cao su kỹ thuật, các loại màng polyme, vải, thủy tinh hữu cơ; các loại mỡ, dầu bảo vệ, màng PINX, sơn phủ dùng trong hàng không, phụ gia chống vi sinh vật, các chất ức chế ăn mòn, vật liệu nano, vật liệu ngụy trang, nghi trang …). Phần lớn các mẫu vật liệu là do Liên bang Nga nghiên cứu chế tạo và ứng dụng, trong đó có nhiều mẫu vật liệu mới đang được nghiên cứu phát triển nhằm mục đích ứng dụng trong ngành hàng không, vũ trụ, trong quân sự và công nghiệp. Thử nghiệm tự nhiên được thực hiện tại 3 Trạm thử nghiệm nằm ở ba miền đất nước: Trạm Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), Trạm Đầm Báy (Đảo Hòn Tre, Nha Trang, Khánh Hòa), Trạm Cần Giờ (Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh). Thử nghiệm gia tốc được thực hiện trong phòng thí nghiệm tại Cơ sở chính và 2 Chi nhánh (Chi nhánh Ven biển – Nha Trang, Khánh Hòa, Chi nhánh Phía Nam – Quận 10, TP. Hồ Chí Minh).

Nghiên cứu thử nghiệm của Viện Độ bền Nhiệt đới được thực hiện dưới dạng các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ. Viện Độ bền Nhiệt đới đã chủ trì hàng chục đề tài nghiên cứu thử nghiệm tự nhiên. Bên cạnh đó, Viện cũng chủ trì thực hiện các đề tài về thử nghiệm gia tốc, đánh giá độ bền các vật liệu: sơn, keo, cao su, kim loại, vải, nhựa, polymer… Kết quả thử nghiệm gia tốc được so sánh, đối chiếu với kết quả tự nhiên giúp nâng cao độ tin cậy, làm cơ sở để kết luận về độ bền của vật liệu, trên cơ sở đó các nhà nhà sản xuất điều chỉnh công nghệ, hoàn thiện sản phẩm để đưa ra sử dụng hoặc tính toán được tuổi thọ của vật liệu trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Năm 2016, Phòng thí nghiệm Viện độ bền Nhiệt đới đã được công nhận năng lực thử nghiệm đối với 23 phép thử theo ISO/IEC 17025:2005, mã số VILAS 938. Đây là mốc đánh dấu sự trưởng thành về kỹ năng thực hiện các phép đo, thử nghiệm và năng lực thực hiện các dịch vụ thử nghiệm có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế của Viện. Năm 2019, Văn phòng Công nhận chất lượng (BoA) đã đánh giá và công nhận năng lực thử nghiệm theo ISO/IEC 17025:2017 đối với 98 phép thử trên các nhóm đối tượng: màng sơn phủ, kim loại và lớp phủ kim loại, cao su kỹ thuật, vật liệu vải, nhựa, dầu, mỡ, linh kiện điện, điện tử … Đây là một bước tiến dài, khẳng định năng lực thử nghiệm của Viện Độ bền Nhiệt đới, xứng đáng là đơn vị thử nghiệm hàng đầu trong Quân đội, ở Việt Nam và theo chuẩn quốc tế.

2. Cơ sở vật chất:

Phòng thí nghiệm Viện Độ bền Nhiệt đới được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại, đáp ứng được gần như toàn bộ các phép thử nghiệm gia tốc đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, khí hậu đến độ bền vật liệu. Một số thiết bị thử nghiệm tiêu biểu như:

2.1. Tủ thử nghiệm bức xạ mặt trời Ci4000 (hãng Atlas – Mỹ)

Là thiết bị có sự kết hợp hài hòa của công nghệ quang học và công nghệ số tiên tiến đã được các công ty, doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp sơn và màng phủ, nhựa, công nghiệp ô tô tin tưởng và sử dụng. Đây là thiết bị thử nghiệm bức xạ mặt trời hiện đại, cho phép thu được các kết quả chính xác, đáng tin cậy, có độ lặp lại và tái lặp cao làm cơ sở đưa ra dự báo tuổi thọ của sản phẩm thử nghiệm. Tủ Ci4000 đã được cấp chứng chỉ bởi các tổ chức CE, UL, CSA, ISO và EN.

Hình 1. Tủ thử nghiệm bức xạ mặt trời Ci4000

Điểm nổi bật của thiết bị Ci4000 là: giá phơi mẫu quay đảm bảo tính đồng đều của bức xạ mặt trời trên bề mặt tất cả các mẫu; đầu phun nước được tối ưu hóa giúp cho việc phun nước đều khắp mẫu thử; tấm đen ASTM Black Panel Thermometer hoặc tấm đen chuẩn ISO/DIN Black Standard Thermometer để điều chỉnh và kiểm soát nhiệt độ bề mặt mẫu giúp bảo đảm độ tái lặp của thử nghiệm.

2.2. Tủ thử nghiệm Xenotest 440 (hãng Atlas – Mỹ)

Đây là một phiên bản thu gọn của Tủ thử nghiệm Ci4000. Đây là tủ thử nghiệm đa năng có thể thử nghiệm bức xạ mặt trời cho nhiều đối tượng vật liệu. Xenotest 440 được thiết kế để thử nghiệm nhanh và tiết kiệm, với công nghệ XenoLogic™ – công nghệ mang tính cách mạng sử dụng đồng thời 2 đèn xenon giống nhau để tạo ra mức bức xạ tổng UV lên đến 120 W/m2. Ngoài ra, công nghệ XenoLogic™ cho phép kéo dài tuổi thọ của đèn lên đến hơn 4000 giờ khi thử nghiệm ở công suất bức xạ tiêu chuẩn 40-60 W/m2.

Hình 2. Tủ thử nghiệm bức xạ mặt trời Xenotest 440

2.3. Tủ thử nghiệm ăn mòn nâng cao CCX Advanced Cyclic Corrosion Cabinet (hãng Atlas – Mỹ)

Là tủ thử nghiệm ăn mòn hiện đại và đa năng nhất, cung cấp cho người dùng công cụ mạnh nhất, đáp ứng được nhiều điều kiện thử nghiệm. Tủ CCX dùng để thử nghiệm đánh giá các vật liệu kim loại, các lớp phủ thuộc nhiều lĩnh vực như: hàng không vũ trụ, công nghiệp ô tô, điện tử, quân sự, robot và viễn thông.

Ngoài các tiêu chuẩn thử nghiệm mù muối thông thường như: ASTM B117 và ISO 9227, tủ CCX có thể đáp ứng các tiêu chuẩn: SAE J2334, Ford BI-123-01, Ford APGE, GM9540P, GMW14872. Đặc biệt có thể phun mù muối kết hợp SO2.

Hình 3. Tủ thử nghiệm ăn mòn nâng cao CCX Advanced Cyclic Corrosion Cabinet​​​​​​

2.4. Tủ thử nghiệm shock nhiệt Votschtechnik VT3 7012 S2 (hãng Vötsch Technik – Đức)

Đây là model mới, hiện đại nhất hiện nay. Tủ sốc nhiệt có 2 khoang thử: nóng, lạnh với dải nhiệt độ làm việc rộng: khoang nóng: từ 0 oC đến +220 oC, khoang lạnh: từ -80 oC đến +70 oC, có thể đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn thử nghiệm shock nhiệt hiện nay: MIL-STD-202, Method 107 (thermal shock); MIL–STD–750–1, Method 1051.7; MIL-STD-883E, Method 1011.9; MIL-STD-810G, method 503.5.

Hình 4. Tủ thử nghiệm shock nhiệt Votschtechnik VT3 7012 S2
Hình 4. Tủ thử nghiệm shock nhiệt Votschtechnik VT3 7012 S2

2.5. Một số thiết bị thử nghiệm gia tốc khác

Ngoài các thiết bị kể trên, Phòng thí nghiệm Viện Độ bền Nhiệt đới còn có nhiều thiết bị thử nghiệm gia tốc môi trường khác như: Tủ thử nghiệm nhiệt ẩm WEISS, WK11 – 600/40 (hãng WEISS – Đức), Tủ thử nghiệm mù muối WEISS SC450 (hãng WEISS – Đức), Tủ thử nghiệm khí ô nhiễm NUERTEK (Tây Ban Nha).

Hình 5. Tủ thử nghiệm nhiệt ẩm WK11 – 600/40
Hình 5. Tủ thử nghiệm nhiệt ẩm WK11 – 600/40
Hình 6. Tủ thử nghiệm mù muối WEISS SC450

3. Nhân lực

Viện Độ bền Nhiệt đới có tổng cộng 55 cán bộ, trong đó 12 tiến sĩ, 13 thạc sĩ, 13 kỹ sư, cử nhân là sĩ quan, hơn 17 kỹ thuật viên (QNCN) và viên chức nhà nước có trình độ từ trung cấp đến thạc sĩ (tính đến năm 2020). Đây đều là những cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu thử nghiệm, chế tạo vật liệu và đã chủ trì nhiều nhiệm vụ, hợp đồng dịch vụ thử nghiệm với các đơn vị trong và ngoài Quân đội.

4. Cơ cấu tổ chức Phòng thí nghiệm Viện Độ bền Nhiệt đới (VILAS 938)

 

5. Đối tác, khách hàng

Viện Độ bền Nhiệt đới là địa chỉ tin cậy, đã hợp tác trong nghiên cứu thử nghiệm và cung cấp dịch vụ thử nghiệm cho nhiều đối tác trong và ngoài nước. Đối tác nước ngoài có thể kể đến: Viện Vật liệu hàng không toàn Nga (VIAM), Viện hóa lý và điện hóa mang tên A.N. Frumkin / Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Viện các vấn đề sinh thái và tiến hóa mang tên А.Т. Severtsov/ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, các công ty Bolid, Istok, Công ty thép Nippon Steel của Nhật… Đối tác trong nước phải kể đến Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast (thuộc tập đoàn Vingroup), Tập đoàn Viettel, các viện nghiên cứu trong và ngoài quân đội khác.

TextFooter
Thông báo
Đóng